Phát triển mô hình HTX VietGAP

Để đưa sản phẩm đến gần hơn với nhiều người tiêu dùng, với tư duy nhạy bén, các HTX sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng VietGAP với quy trình an toàn, đáp ứng các tiêu chí mẫu mã, chất lượng sản phẩm… Nhờ đó, ngày càng phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD), đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của khách hàng và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể.

Mỗi tháng, HTX Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa, xã An Hòa (Tam Dương) xuất bán ra thị trường trung bình 180 tấn dưa chuột VietGAP, mang lại thu nhập ổn định cho các hộ thành viên và người lao động.

Thời gian qua, việc các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh đầu tư SXKD theo hướng VietGAP, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nhờ đó, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người lao động tại địa phương, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Một số HTX nông nghiệp đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong quá trình SXKD như: Công nghệ bảo quản lạnh; công nghệ sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP…

Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 26 chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn. Trong đó có 16 HTX tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn đã có chứng nhận VietGAP; có 27 HTX nông nghiệp được hỗ trợ cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Điển hình là HTX Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa, xã An Hòa (Tam Dương).

Được thành lập năm 2017, hiện HTX có 34 thành viên với diện tích vùng sản xuất hàng hóa tập trung lên tới 10ha chuyên trồng dưa chuột theo hướng VietGAP; cung cấp sản phẩm dưa chuột VietGAP cho hệ thống siêu thị BigC – Go! trên toàn miền Bắc, công ty SenFood và một số bếp ăn tập thể ở các tỉnh, thành trong cả nước.

Riêng tại hệ thống siêu thị BigC – Go!, mỗi tháng, HTX cung ứng khoảng 50 tấn dưa chuột VietGAP. Ngoài ra, HTX còn xuất bán cho các thương lái đổ buôn về các chợ đầu mối; sản lượng tiêu thụ trung bình 180 tấn/tháng.

Anh Đỗ Văn Dũng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa cho biết: Ban đầu, diện tích vùng sản xuất của HTX chỉ khoảng 5 ha; nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, diện tích sản xuất của các hộ thành viên trong HTX đã phát triển, nhân rộng lên 10 ha.

Trên cơ sở được chứng nhận quy trình canh tác theo hướng VietGAP, HTX đứng ra cung cấp giống, vật tư nông nghiệp và bao tiêu đầu ra cho bà con theo giá thị trường.

Đồng thời, đầu tư hệ thống nhà sơ chế, kho lạnh bảo quản, cùng quy trình đóng gói, in tem mác rõ ràng, giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm…; từ đó, góp phần tăng giá trị kinh tế cho nông sản, thu nhập cho các hộ thành viên và người lao động.

Sau khi được chứng nhận canh tác theo quy trình VietGAP, đến nay, từng bước trong quy trình canh tác nghiêm ngặt này đã trở thành thói quen của các hộ thành viên tham gia HTX.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Đoàn Văn Tràng, thành viên HTX cho biết: “HTX sản xuất theo hướng VietGAP nên chúng tôi luôn nhớ và tuân thủ theo nguyên tắc “6 phải”, “2 không” và “4 đúng” khi sử dụng phân bón trong sản xuất dưa chuột VietGAP.

Trong đó, quan trọng nhất là không được sử dụng thuốc diệt cỏ, bón phân đúng thời điểm để nâng cao năng suất và chất lượng quả; phun thuốc bảo vệ thực vật trước thời gian thu hoạch từ 1 – 2 tháng.

Vì thế, sản phẩm tạo ra luôn đạt chất lượng cao, được HTX bao tiêu đầu ra, người sản xuất không lo bị tư thương ép giá”.

Nhờ đó, với 5 sào dưa chuột VietGAP canh tác 3 vụ/năm, sản lượng dưa chuột thu hoạch của gia đình ông Tràng khoảng 7 tấn/vụ, giá bán trung bình 6 nghìn đồng/kg, thu về số tiền hơn 40 triệu đồng/vụ.

Từ đó, giúp ổn định kinh tế nông hộ, vươn lên thoát nghèo và thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp của nhân dân địa phương.

Có thể nói, số lượng các HTX trên địa bàn tỉnh đạt được chứng nhận VietGAP trong sản xuất nông nghiệp đã và đang được xây dựng, nhân rộng ngày càng nhiều.

Bên cạnh lợi ích về kinh tế, mô hình HTX VietGAP còn mang đến cho người nông dân, người tiêu dùng những lợi ích lâu dài.

Đặc biệt trong việc định hướng bà con nhân dân các địa phương áp dụng phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Bài, ảnh: Ngọc Lan

Theo : baovinhphuc.com.vn

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *