Chuyện chàng trai trẻ đam mê làm nghiệp sạch

Chưa bao giờ làn sóng khởi nghiệp từ nông nghiệp trong thanh niên Vĩnh Phúc lại sôi nổi như hiện nay. Cơ hội có nhiều nhưng thách thức kéo theo cũng không nhỏ, bởi làm nông nhiều rủi ro, được mùa mất giá, được giá mất mùa hay sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ…Dẫu vậy, bằng nghị lực và sức sáng tạo không ngừng của tuổi trẻ, nhiều thanh niên, trong đó có Lưu Văn Hải, thôn Ba Gò, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên đã khởi nghiệp thành công từ một loại cây trồng mới.

Chàng trai trẻ dám chấp nhận thử thách

Thời tiết những ngày giữa tháng 1 lạnh cắt da cắt thịt nhưng ngày nào chàng thanh niên sinh năm 1991 Lưu Văn Hải cũng có mặt từ rất sớm ở vườn nho của mình. Hải bảo đây là thói quen, cũng là nhiệm vụ để theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển hằng ngày và tìm cách điều khiển nho hạ đen đơm hoa, kết trái, lúc lỉu quả theo ý muốn, bởi nho hạ đen là loại cây “khó tính”, ưa ánh sáng trực xạ, khí hậu khô, ít mưa, nhiều nắng và nhiệt độ thích hợp là từ 20-30 độ C. Ngoài ghi chép, đánh dấu tỉ mỉ quá trình phát triển của từng luống nho, Hải còn thường xuyên lên mạng, đọc các tài liệu nói về loại cây này vì theo Hải, nếu làm nông đơn thuần một nắng hai sương, ngày 2 bữa rau cháo qua ngày thì người ta ít chú ý đến việc học. Còn muốn làm giàu từ nghề nông thì nông dân cũng cần phải học, cần tiếp cận với công nghệ thời đại 4.0.

“Nó hiền, ít nói, gầy rạc người nhưng siêng năng và đã quyết là phải làm bằng được!”, mẹ Hải – chị Lâm Thị Năm nói nhỏ với chúng tôi như vậy khi em đang mải miết che phủ, chống lạnh cho nho hạ đen. Chị Năm từng khóc hết nước mắt, còn chồng giận con cả mấy tháng trời vì năm 2019, Hải đang yên ổn làm quản lý bộ phận, lương 23 triệu/tháng trong một doanh nghiệp Hàn Quốc ở Bắc Ninh, bỗng dưng về nhà xin phép bố mẹ cho bỏ việc và cho mượn 1ha đất đang cho thu hoạch táo, thanh long, bạch đàn để trồng thử nghiệm nho hạ đen – một loại cây trồng hoàn toàn xa lạ với đồng đất Trung Mỹ và trên địa bàn tỉnh mới có một hộ ở huyện Yên Lạc đang trồng thử nghiệm. “Nghe Hải trình bày ý tưởng không chỉ vợ chồng tôi sốc mà nhiều người dân làng trên, xóm dưới cũng thấy choáng, nghĩ nó gàn dở, có máu liều, bởi Bình Xuyên là đất công nghiệp, làm nông nhiều rủi ro và “nghịch đất” suốt ngày thì có gì thú vị?”- chị Năm nói.

Hiểu được nỗi lòng của bố mẹ, nhưng từ lâu rồi, Hải chỉ hứng thú với những mẩu tin, bài báo hay, các chương trình truyền hình liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Những năm học Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Hải đã tiết kiệm tiền để đi trải nghiệm thực tế tại những mô hình nông nghiệp tiên tiến, hiện đại ở Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nam. Và ngay cả khi có công việc ổn định, có vị trí, có mức lương đáng mơ ước ở Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam nhưng ước mơ khởi nghiệp từ nông nghiệp vẫn không ngừng lớn lên trong Hải.

Mất vài tháng trách mắng, phân tích đúng sai, thậm chí dỗ ngon ngọt, thuyết phục con thay đổi ý định không được, bố mẹ Hải đành chấp nhận cho phá bỏ toàn bộ diện tích trồng thanh long, táo, bạch đàn và “tiếp lửa” một số vốn nho nho để Hải khởi nghiệp từ nông nghiệp. Tự hứa với lòng mình phải thành công để không phụ lòng bố mẹ, Hải cần mẫn, miệt mài ngày đêm cải tạo lại đồi, vườn, xây dựng hệ thống cột trụ, mái che, hệ thống tưới nhỏ giọt và đầu tư mua khoảng 2.000 gốc nho hạ đen có xuất xứ từ Trung Quốc được Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang trồng khảo nghiệm thành công tại Việt Nam.

Sau 3 tháng cần cù chăm sóc, hơn 2.000 gốc nho hạ đen đã vươn cành, đẻ nhánh, phủ xanh cả khu đất cằn và đến tháng thứ 6 thì ra hoa, kết trái. Những chùm nho sai lúc lỉu, quả tròn đều, mọng nước, vị ngọt đậm khiến nhiều người dân trong xã ngạc nhiên về sự thích ứng diệu kỳ của loại cây này và vui lây niềm vui gặt hái những trái ngọt đầu tiên của chàng trai trẻ. Gần 2 năm qua, vườn nho của Hải cho thu 3 vụ quả, với trọng lượng từ 150kg/sào ở vụ đầu tiên tăng lên 300-350kg/vụ thứ 3, bán với giá giao buôn tại vườn là 150.000 -160.000 đồng/kg, 3 vụ nho, gia đình Hải thu về trên 1 tỷ đồng.

Và ước mơ phát triển nông nghiệp gắn với du lịch

Theo Hải, nho hạ đen có thể đạt trọng lượng 400-450kg/sào, thậm chí là 500kg/sào. Tuy nhiên, đây là loại cây khó tính, nếu người trồng làm sai một mắt xích trong quy trình có thể hỏng cả vụ. Do vậy, người trồng phải nắm rõ quá trình sinh trưởng, phát triển và có các biện pháp để điều chỉnh nho đơm hoa, kết trái theo ý muốn. Thông thường, khi nho bắt đầu lên giàn, người trồng chọn 2 cành khỏe nhất để vít sang 2 bên, sau đó tiếp tục nuôi và giữ lại mỗi bên từ 3 đến 4 cành. Khi thân cây ra đủ 5 lá, tiến hành ngắt ngọn để cây dồn chất dinh dưỡng nuôi hoa, đậu quả. Đặc biệt, muốn cây phát triển tốt, cần chia các luống, trồng gốc cách gốc 1mét, luống cách luống 3 mét và làm giàn ngang hình chữ Y theo dọc luống. Bên trên làm mái che bằng nilon để hạn chế mưa, sương, ngăn sâu bọ phát triển; sử dụng dây thép để cố định khung vòm mái che và căng các hàng dây cho nho leo. Bên cạnh đó, để tiết kiệm chi phí, công lao động và giữ ẩm cho đất, người trồng nên sử dụng nilong che toàn bộ phần gốc bên dưới và lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động để tưới nước và bón phân cho cây. “Với chu kỳ sinh trưởng lên đến 20 năm, mỗi năm cây ra quả 2 vụ, thu hoạch vào tháng 3 và khoảng đầu tháng 10, càng về sau, người trồng nho sẽ càng tiết kiệm chi phí và cho thu nhập ổn định”- Hải chia sẻ.

Chưa giàu có về vật chất nhưng thành quả bước đầu Lưu Văn Hải đạt được như minh chứng, tiếp thêm lửa cho những bạn trẻ đang khát khao khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp từ nông nghiệp. Đến nay, ở xã Trung Mỹ đã có 7 hộ trồng nho hạ đen với diện tích trên 2 ha. Đặc biệt, gia đình Hải đang là điểm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng loại cây này của nhiều người dân trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là mô hình được Hội Nông dân tỉnh chọn làm điểm để nhân rộng tại các địa phương trong những năm tới.

Chia sẻ về những dự định của mình, chàng trai 30 tuổi khuôn mặt rạng rỡ, háo hức cho biết, anh sẽ tiếp tục trồng thử nghiệm thêm giống nho sữa nổi tiếng của Nhật Bản. Đồng thời, tăng diện tích vườn nho hạ đen theo chuẩn VietGap, liên kết các hộ thành lập HTX Greenfood, hướng đến mục tiêu mở rộng diện tích trồng nho lên đến vài chục ha, hình thành vùng nguyên liệu sạch để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất rượu vang nho, các loại siro, kẹo nho. Đặc biệt là tận dụng tốt lợi thế về kinh tế đồi vườn, có vị trí gần khu du lịch sinh thái Đại Lải, Hải sẽ đầu tư phát triển mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch trải nghiệm, biến những vườn nho trở thành mô hình kinh doanh tiềm năng.

Theo đó, khách đến khu vực trồng trọt của HTX Greenfood sẽ được trải nghiệm cuộc sống đúng như những người nông dân bản địa, được trồng, chăm sóc, thu hoạch nho và các loại hoa quả khác; được tham gia chế biến các loại bánh kẹo, siro, rượu nho và các loại rau củ đã thu hoạch. “Phía trước sẽ còn rất nhiều khó khăn, nhưng tôi tin mình sẽ làm được. Bởi Bình Xuyên có rất nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển cả công nghiệp, nông nghiệp và du lịch. Hiện các xã viên HTX Greenfood đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng nho và các loại rau, hoa quả khác theo chuẩn VietGap. Chính quyền địa phương rất khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Greenfood có thể mở cửa, đón những đoàn khách đầu tiên vào năm tới”- Hải nói.

Chia tay Hải trong thời điểm ngày Tết cổ truyền của dân tộc đang đến gần, với chùm nho chín mọng cầm trên tay, chúng tôi tin, với sức trẻ, khát khao vươn lên, Hải sẽ tận dụng tốt những cơ chế, chính sách mở của tỉnh để phát triển thành công mô hình du lịch nông nghiệp gắn với trồng nông sản sạch, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Thanh Nga

 

Theo : vinhphuc.gov.vn

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *