Cấp bách các giải pháp phòng, chống cháy rừng

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi bất thường, nguy cơ xảy ra cháy rừng trên diện rộng luôn ở cấp độ cao và nguy hiểm. Vừa qua, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai cấp bách các giải pháp PCCCR, BVR nhằm hạn chế nguy cơ cháy rừng, sẵn sàng ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Diễn tập PCCCR tại xã Đồng Quế (Sông Lô). Ảnh: Nguyễn Lượng

Hiện Vĩnh Phúc có khoảng 33.929 ha đất lâm nghiệp, trong đó, rừng đặc dụng hơn 15.800 ha; rừng phòng hộ hơn 4.170 ha; rừng sản xuất hơn 13.950 ha được phân bố tại 7 huyện, thành phố. Bên cạnh vai trò phòng hộ đầu nguồn, bảo tồn nguồn gen động, thực vật, nghiên cứu khoa học…, rừng còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH như cung cấp lâm sản cho nhu cầu tại chỗ, phục vụ các lợi ích an ninh quốc phòng, cung cấp nguồn nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp…

Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác kiểm tra, trực PCCCR, BVR ở các chốt trạm trong rừng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương trong kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến khai thác rừng, PCCCR trên địa bàn tỉnh. Do đó, số vụ cháy rừng và diện tích rừng bị thiệt hại năm 2019 đều giảm so với năm 2018.

Được giao quản lý hơn 40 ha rừng, ông Nguyễn Viết Bình, xã Ngọc Mỹ (Lập Thạch) thường xuyên thu dọn thực bì phòng, chống cháy rừng. Ảnh: Nguyễn Lượng

Cụ thể, năm 2019 xảy ra 1 vụ cháy rừng tại xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên với diện tích cháy 3 ha (cháy dưới tán) và 2 điểm phát lửa có nguy cơ cháy rừng nhưng được phát hiện, dập tắt kịp thời tại xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên và xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch.

Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Triệu Thiết Thực cho biết: Nhờ thực hiện phương châm “4 tại chỗ”: Lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, các vụ cháy, điểm phát lửa được phát hiện và huy động lực lượng, phương tiện cứu chữa kịp thời, nên đã hạn chế mức thấp nhất thiệt hại.

Với nguyên tắc phòng là chính, chữa cháy rừng kịp thời, hiệu quả, trong thời gian tới, lực lượng kiểm lâm tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn lực lượng ứng trực PCCCR, bảo vệ và phát triển bền vững đối với 100% diện tích rừng hiện có; nỗ lực không để xảy ra các vụ cháy lớn gây thiệt hại tài nguyên rừng.

Đồng thời, duy trì cung cấp thông tin cảnh báo cháy rừng và ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý bảo vệ, PCCCR, theo dõi diễn biến rừng; phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trong việc tuần tra, điều tra nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Tháng 2 năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1 vụ cháy rừng tại khu vực rừng sản xuất thôn Lập Đinh, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên với diện tích cháy khoảng 5 ha. Mặc dù không có thiệt hại về người, nhưng vụ cháy đã gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái khu vực.

Trước những diễn biến phức tạp, bất thường của thời tiết, tình trạng hanh khô kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng trên diện rộng luôn ở cấp độ cao và nguy hiểm, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố có rừng triển khai đồng bộ các giải pháp PCCCR, BVR.

Theo đó, UBND các huyện, thành phố có rừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCCR, BVR trong cộng đồng dân cư; phối hợp chặt chẽ với ngành kiểm lâm và các lực lượng khác trong công tác PCCCR và BVR; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, dụng cụ, hậu cần để sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo xử lý kịp thời các tình huống cháy rừng xảy ra.

Đồng thời, chỉ đạo UBND cấp xã, chủ rừng tập trung mọi nguồn lực, chủ động triển khai các biện pháp PCCCR, BVR; xác định cụ thể các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để bố trí nguồn lực, đảm bảo ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống mới phát sinh, không để xảy ra cháy rừng; đảm bảo lực lượng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô hanh và những ngày nắng nóng cao điểm; bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng.

Sở NN&PTNT có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác PCCCR, BVR; kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm các quy định về PCCCR, BVR; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Lâm nghiệp; cập nhật, tổ chức dự báo cháy rừng và thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Hường

Theo : baovinhphuc.com.vn

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *