Lợi ích “kép” khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử

Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện các giải pháp giúp người dân phòng chống, khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid – 19, ngành ngân hàng tích cực triển khai các gói ưu đãi dành cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử. Đây là cơ hội để người dân tiếp cận, được hưởng lợi ích “kép” khi sử dụng dịch vụ này trong bối cảnh hiện nay.

Sử dụng ngân hàng điện tử giúp tăng tiện ích khi mua sắm cho người dân (ảnh chụp tại siêu thị Co.op Mart Vĩnh Phúc)

 

Theo số liệu thống kê từ Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), hiện nay, tiền mặt vẫn chiếm hơn 90% tổng số giao dịch trên cả nước, trong khí đó, tiền giấy và tiền polymer được các chuyên gia y tế cảnh báo là một trong những tác nhân gây rủi ro cao đối với sức khỏe cộng đồng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp.

Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán và điều chỉnh giảm giá sử dụng dịch vụ thông tin tín dụng, nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán, đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu thanh toán trực tuyến của người dân.

Theo đó, NHNN đã điều chỉnh giảm 50% phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020, tạo tiền đề để các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng giảm phí giao dịch cho khách hàng khi sử dụng ngân hàng điện tử.

Hiện nay, đồng loạt các ngân hàng TMCP trên địa bàn tỉnh đang tích cực triển khai các gói ưu đãi dành cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ của ngân hàng điện tử như: Tăng tiện ích, giảm phí dịch vụ, đa dạng hóa phương thức thanh toán trực tuyến….

Là một trong những ngân hàng TMCP chủ lực trên địa bàn tỉnh, VietinBank Vĩnh Phúc hiện đang triển khai miễn hoàn toàn phí giao dịch chuyển khoản VND trong và ngoài hệ thống đối với các khách hàng đăng ký mới dịch vụ internet banking dành cho khách hàng doanh nghiệp (VietinBank eFAST); giảm 22% phí chuyển tiền liên ngân hàng nhanh 24/7 đối với giao dịch giá trị nhỏ qua NAPAS trên iPay Mobile, cung cấp gói tài khoản Vbiz với mức phí 0 đồng dành cho khách hàng.

Ngoài ra, ngân hàng cũng đang áp dụng chính sách miễn giảm phí thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại thông qua ngân hàng điện tử đối với khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược liệu, thiết bị – vật tư y tế hoặc các khách hàng có giao dịch thương mại với những thị trường được xác định có vùng dịch hoặc phải hạn chế hoạt động giao thương đi lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tương tự đối với VietcomBank (VCB) Vĩnh Phúc, mới đây, chi nhánh đã triển khai giảm phí chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 qua tài khoản và qua thẻ từ 7.700 đồng/giao dịch xuống còn 5.500 đồng/giao dịch (áp dụng đối với các giao dịch có giá trị từ 500.000 đồng trở xuống). Ngoài ra, với việc VCB chính thức ra mắt ứng dụng Smart OTP phiên bản mới (phiên bản ứng dụng độc lập trên chợ ứng dụng).

Khách hàng sử dụng dịch vụ Internet Banking được nâng hạn mức giao dịch lên tới 1 tỷ đồng. Đồng thời, đối với các khách hàng giao dịch trên Mobile Banking, VCB cũng thực hiện tích hợp phương thức xác thực bằng Smart OTP ngay trong ứng dụng VCB – Mobile Banking.

Như vậy, khi giao dịch bằng phương thức xác thực này, hạn mức giao dịch trên Mobile Banking của khách hàng được nâng lên tới 1 tỷ đồng/giao dịch, khách hàng có thể thanh toán mọi lúc mọi nơi chỉ với một chiếc smartphone ngay cả khi thiết bị không được kết nối trực tuyến.

Chia sẻ về những tiện ích mà dịch vụ ngân hàng điện tử mang lại, chị Vũ Thị Thu Hà, ở phường Liên Bảo (Vĩnh Yên) cho biết: “Hơn 1 năm nay, nhờ sử dụng dịch vụ Mobile Banking, việc thanh toán chi phí tiêu dùng, sinh hoạt cơ bản trong gia đình như: Điện, nước, điện thoại… trở nên dễ dàng, thuận tiện với tôi hơn rất nhiều. Tôi có thể thanh toán chúng mọi lúc, mọi nơi chỉ với chiếc smartphone bỏ túi, thay vì mất công đến chi nhánh điện lực hay bưu điện.

Từ khi có dịch Covid – 19, gia đình hạn chế ra ngoài, tập trung những nơi đông người, tôi lại càng thấy tiện ích hơn đối với thói quen không dùng tiền mặt. Chỉ cần ngồi ở nhà, tôi vẫn dễ dàng mua được các loại hàng hóa bất kể khoảng cách địa lý chỉ qua vài thao tác chạm trên điện thoại di động.

Hơn nữa hiện nay, phí giao dịch chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng điện tử của nhiều ngân hàng đang được giảm, hạn mức giao dịch cũng tăng lên, việc sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử giúp khách hàng vừa được hưởng lợi về tiện ích, kinh tế, lại bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.

Thực tế cho thấy, sự phát triển của công nghệ 4.0 thời gian qua giúp các kênh thanh toán không dùng tiền mặt lên ngôi, đặc biệt là thanh toán qua ngân hàng điện tử. Hơn nữa, trước diễn biến còn phức tạp của dịch bệnh, việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt là rất cần thiết, đây cũng là cơ hội để các ngân hàng TMCP khuyến khích người dân giao dịch trực tuyến, vừa bảo đảm an toàn lại rất tiện lợi.

Lúc này, ngân hàng nào đem lại tiện ích, trải nghiệm, ưu đãi từ dịch vụ ngân hàng điện tử tốt hơn sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh, thu hút khách hàng, chiếm lĩnh thị phần trong thời gian tới.

Hoàng Sơn

Theo : baovinhphuc.com.vn

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *