Thị trường bất động sản: Giao dịch giảm, giá không giảm

Cũng như các ngành, lĩnh vực khác, thị trường bất động sản (BĐS) trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2020 đến nay phải chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid – 19, khiến số lượng giao dịch giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, mặc dù số lượng giao dịch giảm mạnh, song giá bán vẫn không giảm.

Thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu giảm giá dù giao dịch giảm sút.
(Ảnh chụp tại dự án Khu đô thị VCI Mountain View Vĩnh Yên)
Ảnh: Thế Hùng

Những năm gần đây, nhờ sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư BĐS lớn như Công ty cổ phần đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp), Công ty cổ phần Thương mại Sông Hồng Thủ đô, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thành Công Vĩnh Phúc…, cùng hệ thống hạ tầng đầu tư đồng bộ, cơ chế chính sách thông thoáng, Vĩnh Phúc được đánh giá là một trong những thị trường BĐS sôi động và tiềm năng tại khu vực phía Bắc.

Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng, hiện trên địa bàn tỉnh có 74 dự án BĐS gồm các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, khu chức năng đô thị được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.

Trong 4 năm (2016 – 2019), thị trường BĐS của tỉnh phát triển khá sôi động. Tuy nhiên, bước vào năm 2020, hoạt động này bắt đầu gặp khó; bởi Thông tư số 22/2019/TT – NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc “Quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” có hiệu lực, làm siết chặt tỷ lệ vốn ngắn hạn, cho vay trung, dài hạn; đồng thời, giảm hạn mức cho vay đối với các dự án BĐS cao cấp và một số chủ đầu tư có nhu cầu vay số lượng lớn cho nhiều dự án BĐS.

Điều này khiến dòng vốn đầu tư vào BĐS bị giảm mạnh, kéo theo nguồn cung các sản phẩm BĐS dần thu hẹp. Thêm vào đó, từ đầu tháng 2/2020, tình hình dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp đã làm cho hoạt động SXKD của các doanh nghiệp BĐS bị đình trệ; một số doanh nghiệp BĐS còn đứng trước nguy cơ bị mất thanh khoản, làm tăng chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí lãi vay và nguy cơ chuyển thành nợ xấu; công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm, bán hàng của doanh nghiệp BĐS bị gián đoạn, khiến số lượng các giao dịch giảm mạnh.

Số liệu cung cấp của một số chủ đầu tư, sàn giao dịch BĐS do Sở Xây dựng quản lý cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2020, cả số lượng giao dịch và nguồn cung sản phẩm BĐS trên địa bàn tỉnh đều giảm từ 40 – 50% so với cùng kỳ năm 2019.

Có mặt tại một số sàn giao dịch BĐS trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, mặc dù đã hết thời gian thực hiện cách ly xã hội, thế nhưng, những ngày này, lượng khách hàng đến tìm hiểu đầu tư BĐS vẫn rất ít, khiến số lượng các giao dịch qua sàn giảm mạnh.

Quản lý Sàn giao dịch BĐS Vĩnh Yên Vũ Xuân Quyết cho biết: Để đảm bảo an toàn cho cả nhân viên và khách hàng, sàn đẩy mạnh việc tư vấn, môi giới online và chỉ thực hiện gặp gỡ khi chốt giao dịch. Tuy nhiên, từ đầu tháng 2/2020 đến nay, số lượng giao dịch BĐS của sàn giảm đến 50% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân là do dịch bệnh nên các doanh nghiệp BĐS không thể tổ chức những hoạt động tiếp xúc khách hàng như tiếp thị, mở bán sản phẩm hay lễ khởi công, động thổ; người dân e ngại khi tiếp xúc, giao tiếp nên nhiều lịch hẹn tư vấn của nhân viên bị trì hoãn hoặc hủy bỏ. Thêm vào đó, kinh tế bị ảnh hưởng, rủi ro lớn nên nhiều nhà đầu tư thứ cấp có tâm lý nghe ngóng thay vì đầu tư vào thời điểm này.

Cũng theo anh Quyết, khách hàng giao dịch trong thời điểm này chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân và người dân có nhu cầu thực về nhà ở. Họ tập trung chủ yếu vào phân khúc đất nền có mức giá từ 9 triệu đồng/m2 đổ xuống ở vùng ven trung tâm, đã hoàn thiện hạ tầng và minh bạch về thủ tục pháp lý.

Mặc dù thị trường khá trầm lắng, song giá bán BĐS hiện nay không hề có sự sụt giảm so với thời điểm cuối năm 2019. Chia sẻ về vấn đề này, anh Nguyễn Nghĩa Tiến, nhân viên của một sàn giao dịch BĐS cho biết: Trong bối cảnh dịch Covid – 19 trong nước đã lắng xuống, nhưng trên thế giới vẫn chưa chấm dứt hẳn, có một số nhà đầu tư “non” vốn đã nóng lòng muốn đẩy bớt hàng.

Tuy nhiên, kỳ vọng về việc giá BĐS giảm sâu trong thời điểm này khó có thể đạt được. Bởi, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, nhiều nhà đầu tư đã ngừng việc “tung” ra các dự án mới khiến nguồn cung trên thị trường giảm mạnh; trong khi, nhu cầu về nhà ở thực trên địa bàn tỉnh vẫn khá cao.

Với sự phát triển mạnh mẽ của đô thị Vĩnh Phúc, cùng sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư lớn ở nhiều loại hình BĐS khác nhau và hệ thống hạ tầng đồng bộ, hoàn thiện, khi dịch bệnh được khống chế, rất có thể nhiều nhà đầu tư thứ cấp sẽ sẵn sàng “xuống tiền” đầu tư cho lĩnh vực này để đón đầu cơ hội, kỳ vọng lợi nhuận cao trong tương lai.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để hạn chế rủi ro, bảo toàn nguồn vốn, Sở Xây dựng khuyến cáo, các nhà đầu tư thứ cấp cần thận trọng, nghiên cứu, phân tích kỹ thị trường trước khi “xuống tiền” đầu tư vào BĐS. Nên ưu tiên, quan tâm đầu tư đến BĐS công nghiệp, các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở công nhân; hạn chế đầu tư loại hình BĐS du lịch, nghỉ dưỡng.

Bên cạnh đó, sở cũng yêu cầu các chủ đầu tư có dự án BĐS đã có đầy đủ thủ tục pháp lý cần sớm khắc phục khó khăn, thực hiện các biện pháp thi công thích hợp để vừa phòng, chống Covid-19, vừa đẩy nhanh tiến độ công trình nhằm đảm bảo nguồn cung các sản phẩm BĐS cho thị trường, bình ổn giá bán.

Thanh Huyền

Theo : baovinhphuc.com.vn

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *